Rốn quấn cổ

Lâu nay các bà mẹ mang thai hay gặp tình huống được bác sĩ chẩn đoán, hoặc đi siêu âm cho là “Rốn quấn cổ”. Gặp tình huống này, sản phụ và gia đình luôn lo lắng và luôn nghĩ đến tác hại to lớn mà dây rốn gây nên do bị ám ảnh “sợi dây quấn vào cổ, làm em bé không thở được?”

Nhiều bà mẹ đi siêu âm và khám thai khi gần đủ tháng (khám định kỳ), thì được một số bác sĩ và bệnh viện tư vấn như một tình trạng cấp cứu và “phải mổ ngay lập tức”.

Vậy “Rốn quấn cổ” là gì? Có nguy hiểm đến mức “phải mổ ngay lập tức” hay không?

 Nghiên cứu dưới đây của các chuyên gia thuộc Hiệp Hội Sản Phụ Khoa Hoa Kỳ, được cập nhật trên Uptodate tháng 11/2017, sẽ giúp cho chúng ta có nhiều hiểu biết hơn về vấn đề này.

 

RỐN QUẤN CỔ LÀ GÌ?

Rốn quấn cổ (RQC) là một trường hợp hay gặp trong sanh. Được gọi là RQC nếu vòng quấn lên cổ em bé đến 360 độ. Nếu quấn chưa đến 360 độ thì không gọi là RQC (trường hợp này rất hay gặp).

Hầu hết các trường hợp RQC không có gây bất kỳ tác hại nào đến bào thai và em bé khi sanh ra. Trong một số ít trường hợp, số lượng rất nhỏ các ca lâm sàng, có miêu tả các vòng rốn quấn cổ khá chặt gây nên một số ảnh hưởng lên em bé, như thiếu oxy…tuy nhiên không chứng minh được ảnh hưởng này là do RQC gây nên.

  

CÓ MẤY LOẠI RQC: có 3 loại RQC

+ Một vòng hoặc nhiều vòng

+ Quấn chặt hay lỏng lẻo

+ Type A: vòng quấn nằm dưới dây rốn, khó tháo ra. Type B: vòng quấn nằm trên dây rốn, dễ tháo ra khi em bé di chuyển trong tử cung

 

Tác động của RQC lên bào thai như thế nào? Hay bắt gặp không?

+ Hiện tượng RQC hiếm khi gây tác động xấu và nguy cơ đối với em bé.

+ Một nghiên cứu hồi cứu trong các trường hợp sanh đơn thai đường âm đạo cho thây rằng: Nếu dây rốn quá dài (>70cm) thì hay bắt gặp RQC 1 vòng (28% so với 1%).

+ Tần suất RQC gia tăng vào những tháng cuối thai kỳ (từ 15% đến 34%)

Làm thế nào để chẩn đoán RQC trước sanh?

+ Chủ yếu dựa vào siêu âm. Tuy nhiên có đến 75% các bác sĩ siêu âm cho biết có RQC. Điều này cho thấy việc RQC càng về cuối thai kỳ là hay bắt gặp do sự vận động xoay và đi xuống của em bé trong tử cung.

+ Mặc dù phát hiện được RQC, nhưng siêu âm cũng khó khẳng định là RQC chặt hay lỏng lẻo? Với dấu hiệu “Divot Sign” (da cổ bị lõm vào trên thiết diện cắt ngang cổ em bé – transverse views) cũng khó khẳng định em bé bị quấn chặt hay không. Hơn nữa sự quấn chặt này sẽ thay đổi trong quá trình chuyển dạ và khi em bé đi xuống trong ống đẻ.

CÓ NÊN TẦM SOÁT RQC MỘT CÁCH CÓ HỆ THỐNG TRƯỚC SANH KHÔNG?

Các chuyên gia cho rằng: Chúng tôi không tầm soát thường quy để tìm kiếm dây rốn quấn cổ. Vì rằng đây là một hiện tượng hay gặp trong mang thai (75%). Chúng tôi cũng không đưa ra từ chẩn đoán “Rốn quấn cổ” trong khi làm siêu âm một cách thường quy. Ngược lại nếu đưa ra kết luận RQC, đôi khi sẽ có hại cho sản phụ nhiều hơn, ví dụ sản phụ sẽ yêu cầu khá kiểm tra lại siêu âm những lần sau (đang lẽ ra không cần thiết), hoặc sản phụ sẽ lo lắng, buồn phiền mà sẽ dẫn đến các can thiệp không cần thiết và quá mức như đề nghị “Mổ lấy thai”

TÓM LẠI: Các nghiên cứu cho thấy, RQC hiếm khi gây tác động xấu lên bào thai và em bé. Chưa có nghiên cứu nào khẳng định chắc chắn điều đó. Hầu hết là các báo cáo chưa rõ ràng.

Trong thai kỳ không cần thiết phải tầm soát RQC một cách thường quy và KHÔNG NÊN đưa ra kết luận “Rốn quấn cổ em bé”, sẽ làm ảnh hưởng nhiều đến tâm lý bà mẹ và thậm chí một số trường hợp dẫn đến các chỉ định sai lầm đáng ra không nên có  là “mổ lấy thai”.

Nguồn: Uptodate 11/2017 – https://www.uptodate.com/contents/nuchal-cord?source=search_result&search=nuchal%20cord&selectedTitle=1~13

Cảnh Lâm – Sản phụ khoa VietPhap

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *