Thời kỳ tiền mãn kinh ?
Phụ nữ ở độ tuổi >40 sẽ bước vào một giai đoạn thay đổi về sức khoẻ kèm theo một số rối loạn khác gọi là tuổi mãn kinh.
Người ta chia tuổi mãn kinh ra làm 2 giai đoạn đặc thù với các rối loạn riêng biệt như sau:
- Rối loạn tiền mãn kinh:
Thời kỳ này thường bắt đầu từ tuổi 41 – 45, thời gian ngắn có thể từ 5, 7 tháng, dài có thể 1, 2 năm hoặc lâu hơn, có người kéo dài hơn 10 năm.
Người phụ nữ bước vào độ tuổi này thường xuất hiện các triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật, kinh nguyệt không đều… do nội tiết tố nữ giảm thiểu.
- Tuổi mãn kinh thực sự:
Nếu người phụ nữ thấy mất kinh hẳn >12 tháng, đó là giai đoạn mãn kinh thực sự
Triệu chứng tiền mãn kinh:
Triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật như đau đầu, chóng mặt, mất ngủ, ra mồ hôi, nóng trong người, mặt đỏ, bứt rứt trong người, cảm giác chân tay tê hoặc kiến bò ngoài da, hồi hộp hay quên.
Kinh nguyệt không đều: ít kinh, kinh nhiều, kinh kéo dài, rải rác thất thường, một số trường hợp rong kinh rong huyết kéo dài gây mất máu suy kiệt…
Vú căng, đau vú, chướng bụng, phù chi dưới…
Đây là giai đoạn đặc trưng của sự thiếu hụt hormon progesteron trong hoạt động chế tiết của buồng trứng ngày càng suy giảm.
Triệu chứng mãn kinh:
Là giai đoạn buồng trứng ngưng mọi hoạt động chế tiết do các nang noãn biến mất hoàn toàn.
Các rối loạn thần kinh thực vât đặc trưng như:
- Nóng mặt (Les bouffées de chaleurs)
- Ra mồ hôi về đêm
- Trầm cảm hay nóng giận, buồn bã, mệt mỏi
- Giảm tình dục
- Khô âm đạo
- Tăng cân…
Biến chứng:
- Âm hộ, âm đạo, tử cung, buồng trứng teo lại
- Chứng đau âm đạo khi giao hợp
- Viêm âm đạo, nhiễm khuẩn
- Sa sinh dục
- Vú: tuyến vú được thay dần bằng mô mỡ và mô sợi
- Nhăn da
Về lâu dài có thể dẫn đến:
- Loãng xương thường bắt gặp, dễ dẫn đến gãy xương dù va chạm nhẹ.
- Tăng nguy cơ bệnh lý tim mạch như:Tăng cholesteron máu, tăng huyết áp dần theo tuổi, tăng cân, bép phì, biến đổi các chỉ số đông máu…
Loãng xương ở tuổi mãn kinh:
25% phụ nữ xuất hiện các triệu chứng loãng xương sau khi mãn kinh
Ở các phụ nữ này, dù chỉ 1 va chạm nhẹ cũng sẽ dẫn đến gãy xương. Sự hồi phục sau chấn thương rất hạn chế, đặc biệt nếu gãy cổ xương đùi, sẽ dẫn đến dự hậu rất xấu.
Một số yếu tố khác có thể làm trầm trọng thêm tình trạng loãng xương như:
- Hút thuốc nhiều, nghiện rượu, cà phê…
- Chế độ ăn ít sữa hoặc kiêng ăn
- Ít luyện tập thể dục
- Bất động kéo dài
- Thiếu ánh sáng
- Dùng kéo dài các thuốc corticoid, kháng đông…
Làm thế nào để phòng ngừa bệnh loãng xương?
- + Tránh nghiện rượu, cà phê, trà.
- + Tắm nắng và tập thể dục thể thao thường xuyên
- + Ăn tối thiểu 3 bữa 1 ngày
- + Uống đủ nước (1,5 lít/ngày)
- + Chọn các thức ăn giàu calci. Không ăn nhiều muối, đạm.
- + Ăn tối thiểu 4 loại thức ăn từ sữa/ngày như yaourt, promage, sữa, kem, bánh…
Làm gì khi có các rối loạn kinh nguyệt?
- Cần phải đi khám các BS chuyên khoa phụ sản ngay khi phát hiện các rối loạn kinh nguyệt ở độ tuổi này
- Việc khám BS chuyên khoa nhằm giảm thiểu các biến chứng trầm trọng như băng kinh băng huyết. Ngoài ra việc thăm khám siêu âm có thể phát hiện các bệnh lý khác làm nặng thêm tình trạng bệnh như u xơ, tăng sinh nội mạc tử cung, polype…