Mang thai & Rubella

Sốt do nhiễm virus Rubella là gì?

Sốt do nhiễm virus Rubelle là một bệnh lý hay gặp ở hầu hết mọi lứa tuổi, đặc biệt ở trẻ em. Thông thường là bệnh lý lành tính. Các triệu chứng như một cảm cúm thông thường có hoặc không kèm theo nổi ban trên cơ thể.

Tuy nhiên nhiễm Rubella trong những tháng đầu tiên trong thai kỳ là một bệnh lý khá trầm trọng do nguy cơ gây nên dị tật bẩm sinh đối với bào thai.

Tỷ lệ nhiễm Rubella trong quá trình mang thai là 1-4/10.000 người.

Ở Pháp, chủng ngừa Rubella trước thai kỳ được yêu cầu bắt buộc, tỷ lệ tiêm chủng đạt từ 90 đến 95% phụ nữ mang thai.

Tầm soát nhiễm Rubella trên phụ nữ mang thai:

Có 10-20% các trường hợp nhiễm Rubella không triệu chúng, cho nên bắt buộc phải làm xét nghiệm tầm soát trong lúc mang thai đối với những phụ nữ không được tiêm ngừa trước sanh.

Các triệu chứng hay gặp:

  • Sốt lạnh run hay sốt nhẹ
  • Có tiếp xúc với người bị bệnh khoảng 15 ngày gần đây.
  • Phát ra các nốt ban đỏ ngẫu nhiên bắt đầu ở mặt (giống như ban sởi)
  • Nổi hạch ở vùng chẩm (sau gáy)
  • Nhức mỏi cơ bắp, ho nhẹ, viêm họng…

Trong khi mang thai, nếu nghi ngờ nhiễm virus rubella, làm thế nào để chẩn đoán chính xác?

Việc chẩn đoán nhiễm virus Rubella chỉ thông qua xét nghiệm máu:

Định lượng IgM và IgG 2 lần cách nhau 10 ngày sẽ cho biết nhiễm Rubella cũ (trước đây) hay mới nhiễm.

Tốt nhất là phải khám ngay cả 3 chuyên khoa: Sản khoa, Siêu âm và Truyền nhiễm.

Vấn đề gây dị tật bẩm sinh cho bào thai:

     Mức độ trầm trọng cũng như tỷ lệ tùy thuộc vào tuổi thai:

  • Từ 8-11 tuần: là giai đoạn trầm trọng nhất nếu bị nhiễm Rubella. Các tổn thương thường bắt gặp là: Tim bẩm sinh, bệnh về mắt (hay gặp là đục thủy tinh thể), bệnh lý tai trong và não (tật não nhỏ).
  • Sau 12 tuần: Khả năng gây tổn thương các cơ quan không quá 35% các trường hợp nhiễm Rubella trong giai đoạn này. Tổn thương hay gặp nhất là vấn đề thính lực như tật điếc bẩm sinh.
  • Sau 16 tuần: Virus Rubella có thể gây nên bệnh lý thai kém phát triển trong tử cung với các bệnh lý ở ngũ tạng nhưng không gây dị tật bẩm sinh.

Bà mẹ mang thai cần làm gì khi nghi ngờ nhiễm virus Rubella?

  • Gặp ngay bác sĩ Sản khoa để được tư vấn.
  • Trong trường hợp này, bác sĩ sản khoa sẽ tiến hành xác định bệnh thông qua khám lâm sàng và thực hiện test tầm soát miễn dịch khi định lượng IgM và IgG trong máu sản phụ.
  • Tùy tuổi thai mà bác sĩ sản khoa có thể chỉ định chọc ối để nghiên cứu kỹ hơn về virus Rubella trong nước ối của bào thai.
  • Siêu âm để tầm soát dị tật cũng được tiến hành thường xuyên và kỹ lưỡng hơn, để tìm ra các dị tật có thể có một cách sớm nhất.
  • Việc đưa ra một quyết định tư vấn bỏ thai phải là ý kiến của một tập thể các nhà chuyên gia như Di truyền, Sản khoa, Siêu âm, Truyền nhiễm…

Phòng ngừa nhiễm Rubella bằng cách nào?

Hai biện pháp chính của phòng bệnh là cách ly và tiêm phòng bằng vaccin.

Tiêm phòng vaccin Rubella giảm độc lực, được ứng dụng từ năm 1969 tạo nên miễn dịch ít nhất là 16 năm, hoặc có thể cả đời. Vì vậy nên tiêm phòng Rubella rộng rãi cho trẻ từ 12-24 tháng tuổi.

Đối với phụ nữ đang ở tuổi sinh đẻ, cần thiết phải tiêm phòng trước khi sanh.

Thời gian tối thiểu để có thể mang thai sau khi tiêm phòng rubella là 1 đến 3 tháng (tùy thuộc vào loại vacxin).

Cần tư vấn trực tiếp bác sĩ tiêm phòng về loại vacxin, nơi sản xuất, hạn sử dụng và các tác dụng phụ cùng thời gian tác dụng của thuốc để chọn được thời gian an toàn cho mình.

ThS.BS. Cảnh Lâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *